15/01/2021
Lượt xem: 765
Đăng ký bản quyền logo hay đăng ký bảo hộ nhãn hiệu?
Để có được quyền bảo hộ tốt nhất, tổ chức và cá nhân có thể tiến hành đăng ký bản quyền logo hoặc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Tuy nhiên, tùy mục đích sử dụng và loại sản phẩm mà chủ sở hữu có sự lựa chọn cách đăng ký phù hợp cho sản phẩm của mình.
Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Logo hay còn gọi là thương hiệu nhận diện của tổ chức, cá nhân được gắn lên sản phẩm, dịch vụ để sử dụng trong hoạt động kinh doanh. Logo là một loại của nhãn hiệu được sử dụng phổ biến; mỗi doanh nghiệp đều có logo riêng và được gắn trên sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp đó và được xem như một tác phẩm mỹ thuật ứng dụng khi đăng ký bản quyền tác giả. Như vậy, việc đăng ký nhãn hiệu hay đăng ký bản quyền logo có cần thiết hay không? Sau đây là những điểm khác biệt giữa đăng ký nhãn hiệu và đăng ký bản quyền logo:
Tiêu chí
|
Đăng ký bản quyền logo
|
Đăng ký nhãn hiệu
|
Cơ quan thụ lý hồ sơ
|
Cục Bản quyền tác giả
|
Cục Sở hữu trí tuệ
|
Nội dung bảo hộ
|
Phần thiết kế của logo
|
Phần chữ và phần hình (nếu có)
|
Thời gian đăng ký
|
15-30 ngày
|
18-24 tháng
|
Điều kiện phát sinh quyền
|
Tự động được bảo hộ kể từ khi logo được hoàn thành
|
Kể từ ngày đăng ký
|
Thời hạn bảo hộ
|
75 năm kể từ ngày logo được công bố
|
10 năm kể từ ngày nộp đơn
|
Gia hạn hiệu lực
|
Không được gia hạn
|
Được gia hạn, mỗi lần gia hạn là 10 năm
|
Ưu thế của việc đăng ký bản quyền là thời gian đăng ký nhanh chóng và thời hạn bảo hộ lâu dài mà không cần gia hạn hay nộp các chi phí gia hạn. Thông thường, nếu chủ sở hữu chỉ muốn công nhận quyền tác giả thì có thể đăng ký bản quyền. Tuy nhiên, khi muốn sử dụng logo nhằm mục đích kinh doanh thì việc đăng ký nhãn hiệu sẽ mang lại quyền lợi tốt nhất và cơ chế xử lý xâm phạm quyền sở hữu đối với nhãn hiệu có phần chặt chẽ hơn mặc dù cả hai hình thức này đều cho phép xử lý các hành vi xâm phạm. Việc đăng ký nhãn hiệu sẽ được bảo hộ cả về mặt ngữ nghĩa, cách trình bày, màu sắc logo,... Đây là biện pháp bảo hộ rất mạnh, tuy nhiên hạn chế của nó là chỉ được bảo hộ trong phạm vi nhóm sản phẩm, dịch vụ đăng ký. Đối với đăng ký quyền tác giả, logo sẽ được bảo hộ ở tất cả các lĩnh vực, tuy nhiên mức độ bảo hộ yếu hơn vì chỉ khi chủ thể khác sử dụng logo giống hoàn toàn với logo đã được đăng ký mới được cho là xâm phạm bản quyền.
Thực tế cho thấy khi có hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu mà sử dụng quyền tác giả để làm căn cứ xử lý hoặc ngược lại sẽ rất khó khăn, do 02 đối tượng này thuộc 02 cơ quan có thẩm quyền khác nhau quản lý. Do đó, có thể thấy rằng, tùy theo mục đích sử dụng mà chủ sở hữu có thể lựa chọn đăng ký bản quyền cho logo hoặc đăng ký nhãn hiệu. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi tối ưu, chủ sở hữu có thể tiến hành cả hai cách thức đăng ký trên.
Tác giả: Phước Vinh